Hệ thống điện trên xe ô tô được ví như những dây thần kinh trong cơ thể con người. Nó chỉ chiếm 20 % của chiếc xe nhưng có vai trò rất quan trọng. Hệ thống điện có thể điều khiển đến 80% các hệ thống khác trên xe.

Hệ thống điện trên xe VinFast

Khi nhắc đến hệ thống điện của xe, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến bình ắc-quy và các dây nối. Tuy nhiên, hệ thống điện trên xe ô tô rất nhiều chi tiết phức tạp và kết nối chặt chẽ với nhau

Hệ thống điện trên xe ô tô gồm 5 bộ phận chủ yếu là: ắc quy, máy khởi động, máy phát điện, dây điện, rơ-le và cầu chì. Mỗi bộ phận có vai trò cụ thể khác nhau và có các nguyên tắc khác nhau để đảm bảo sự hoạt động trơn tru, hiệu quả.

Ắc quy

Ắc-quy được coi là nguồn sống khi cung cấp điện cho cả hệ thống. Ắc quy có chức năng lưu trữ nguồn điện được sản sinh khi xe vận hành và cung cấp năng lượng để khởi động xe. Trường hợp máy phát điện chưa làm việc thì ắc quy duy trì hoạt động của các thiết bị tiêu thụ điện khác.

Ắc quy VinFast Fadil

Ngoài ra, ắc quy còn cung cấp điện năng trong trường hợp phụ tải sử dụng dòng vượt quá dòng định mức của máy phát.

Hiện nay, trên thị trường phổ biến 2 loại ắc quy chính là ắc quy nước và ắc quy khô. Ắc quy nước có nhược điểm là phải châm thêm axit sau một thời gian sử dụng (vì axit bị bốc hơi) còn ắc quy khô thì không có nhược điểm này.

Máy khởi động (máy đề)

Chức năng của máy khởi động là thông qua vành bánh răng làm quay trục khuỷu động cơ để khởi động động cơ.

Là một motor điện một chiều, khi quay chìa khóa, máy khởi động nhận dòng điện của ắc quy thông qua công tắc khoá điện(ignition switch). Trục khuỷu phải quay đạt đến một tốc độ tối thiểu để động cơ có thể tự nổ, điều này giúp động cơ khởi động được. 

Tùy theo cấu trúc động cơ và tình trạng hoạt động, tốc độ quay tối thiểu để khởi động động cơ sẽ khác nhau. Thông thường động cơ xăng có tốc độ là 40 – 60 vòng/phút và động cơ diesel tốc độ rơi vào khoảng 80 – 100 vòng/phút.

Có 3 loại máy khởi động chính là máy khởi động giảm tốc, máy khởi động đồng trục và máy khởi động loại bánh răng hành tinh.

Máy phát điện

Máy phát điện có nhiệm vụ tạo ra dòng điện điện cung cấp cho ắc quy và các thiết bị tiêu thụ điện khác trên ô tô.

Máy phát điện hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ và bao gồm 3 bộ phận chính: Bộ phận phát điện, chỉnh lưu và hiệu chỉnh điện áp.

Trên thân máy phát có gắn một tiết chế vi mạch nhỏ thực hiện chức năng điều áp và báo sự cố hư hỏng bằng đèn báo nạp.

Máy phát điện trên xe ô tô

Dây điện

Nếu như hệ thống hệ thống điện được ví như “hệ thần kinh trung ương” thì dây điện được coi như “dây thần kinh” của một chiếc xe. Dây điện có chức năng kết nối và truyền tải dòng điện từ các thiết bị khác nhau đến tất cả các hệ thống điện trên ô tô.

Tùy theo các dòng xe, dây điện sẽ được kí hiệu bởi các màu sắc phân biệt khác nhau hoặc phân biệt bằng cách đi dây để phân biệt dây dẫn của từng hệ thống cũng như để thuận tiện trong quá trình tra cứu tài liệu sửa chữa.

Rơ-le và cầu chì

Chức năng của rơ-le và cầu chì là bảo vệ hệ thống điện ô tô. Là thiết bị có vai trò đóng ngắt mạch điều khiển điện, rơ-le giúp bảo vệ và điều khiển hoạt động của mạch điện động lực. Bên cạnh đó, cầu chì giúp bảo vệ khi đường dây hệ thống bị quá dòng. Rơ-le và cầu chì thường được bố trí thành một cụm trên xe và được gọi là hộp cầu chì.

Hộp cầu chì trên xe ô tô

Mỗi chiếc xe sẽ thường có 2 hộp cầu chì chính. Thứ nhất là hộp cầu chì động cơ nằm ở ngoài khoang động cơ, dưới nắp ca pô, gần ắc quy chính của xe. Hộp cầu chì còn lại nằm dưới taplo xe có tên hộp cầu chì điện thân xe (hộp body).